Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014


Mỗi khi tôi nói mình là hướng dẫn viên, thì kiểu gì cũng được nghe những câu đại loại như: ôi thích thế, làm hướng dẫn viên được đi khắp nơi. hay "Sướng nhỉ, làm hướng dẫn tha hồ mà đi chơi",... Thế đấy, cái nghề của tôi xa hoa, hào nhoáng như thế đấy. Nhưng có làm hướng dẫn rồi thì mới hiểu mồ hôi và cả nước mắt đằng sau những chuyến đi "hào nhoáng' như thế.


Một ngày làm việc của hướng dẫn viên bắt đầu từ lúc đón khách cho đến khi được trèo lên giường đi ngủ thì mới nói là trọn vẹn một ngày. Bạn chẳng có một thời gian biểu cố định nào, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào lịch trình và hành trình của khách. Có thể bạn phải đi đón khách từ 3-4h sáng. Và chẳng có gì là không đúng nếu ai đó nói với bạn là họ đã phải đi đón khách từ 2h sáng. Bạn chỉ xuất hiện một lần trong hành trình của lữ khách, và vì thế mà lúc nào thần thái của bạn cũng luôn phải vui vẻ, luôn phải ấn tượng tốt đẹp, nụ cười của bạn là minh chứng rõ nhất về điều đó. Bạn phải cười dù mệt mỏi hay chán nản.

Nếu bạn là hướng dẫn viên, bạn chỉ xuất hiện rồi cười nói thì bạn rơi vào phạm trù 'người báo cơm' hay 'sleeping guide'. Bạn phải hướng dẫn, phải thuyết minh trên hành trình, trong di dích và từng mảnh đất du khách của bạn đang đi qua. Bạn không phải MC để nhìn một bản thảo rồi thao thao bất tuyệt, nhưng bạn lại cần tố chất và giọng điệu của một MC. Nào là lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nào di tích, nào con người, danh lam thắng cảnh. Để có được điều đó là cả môt quá trình rèn luyện kiến thức, trau dồi kĩ năng thuyết minh thuyết trình. Sẽ là thuận lợi nếu như bạn nói mà khách lắng nghe, có những khi bạn vừa cầm mic lên thì ngay lập tức nhận được câu: hát đi em ơi, bật nhạc lên,... rồi linh tinh đủ kiểu văn hóa giao tiếp cao có, thấp có. Những lúc ấy lòng tự trọng bị tổn thương ghê ghớm, vì rằng bạn được học hành tử tế, bạn đang làm việc và họ lại coi bạn là một 'người báo cơm', một người luôn có mặt bất cứ khi nào họ cần. Có những lúc ê chề thế đấy.

Mùa du lịch cao điểm, hướng dẫn viên kiêm luôn cả nhân viên nhà hàng, nhân viên buồng phòng khách sạn. Nhà hàng trong tình trạng over, khách của bạn đang đói, và thế là bạn xắn tay vào phục vụ: bê đồ ăn, sắp bát, sắp đũa, thậm chí là nhảy vào nấu đồ ăn, chan phở... là chuyện hết sức bình thường. Đã có rất nhiều lần tôi bị du khách đoàn khác vỗ vai, thậm chí quát mắng vì tôi đã không phục vụ họ. Tôi bảo mình không phải nhân viên. Nhưng mà ai tin tôi, khi trong 2 tay vẫn khệ nệ hai chồng bát. Mồ hôi chảy ướt khóe mắt cay xè, mặn chát. 

Là một hướng dẫn viên bạn phải hội tụ tỉ thứ kĩ năng, từ giao tiếp, ứng xử, kĩ năng tổ chức, điều hành, cho tới kiến thức sâu rộng. Thế mà không hẳn nghề lúc nào cũng cho bạn vinh quang, có những khi ê chề, thất vọng về cái nghề mình đang theo đuổi. Những lúc vắng tour, anh em lại ngồi với nhau chém gió cười khà khà bảo nhau: hành trang của tụi mình chả có gì ngoài những chuyến đi.

Buồn có, vui có. Nhưng tự hào cũng có. Dù có vất vả, nhưng mỗi chuyến đi lại là một lần trải nghiệm. Tôi cũng trưởng thành lên nhiều từ chính nghề của mình. Như một thứ nghiện, tôi nghiện những chuyến đi vì cuộc đời ta chỉ sống có một lần, được thỏa thích đó đây cũng là cái thú của nghề hướng dẫn.

Nếu bạn muốn làm hướng dẫn chỉ vì thích đi du lịch thì hãy xem lại. Tình yêu với nghề hướng dẫn luôn phải xuất phát từ chính sự say mê và gắn bó.

Thân ái,
Hà Nội, 9/6/2014


0 nhận xét:

Đăng nhận xét