Thưa quý khách,
Ta đang đi trên mảnh đất Quảng Trị. Mảnh đất của những nỗi đau hơn hai mươi năm đất nước chia cắt, của những khúc tráng ca bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình đã lập lại trên khúc ruột miền Trung, nhưng ở nơi đây vẫn còn ghi dấu rất nhiều những di tích của một thời lịch sử: là vĩ tuyến 17 chia cắt hai đầu thương nhớ, là Gio Linh, Vĩnh Linh kiên cường, là Cồn Tiên – Dốc Miếu, là Thạch Hãn - Thành cổ bất khuất, là đường 9 Nam Lào và cả một Trường Sơn huyền thoại,... Có mấy ai trong chúng ta mà lại không có người thân từng trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này, và rất nhiều trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Hôm nay tới Quảng Trị, T xin được kể chuyện về những người chiến sỹ đã hy sinh và công cuộc trả lại tên cho các Anh.
Quảng Trị có dân số hơn 500 nghìn người (2009), nhưng có tới gần 60 nghìn mộ liệt sĩ ở 72 nghĩa trang. Trong 72 nghĩa trang liệt sĩ thì có hai nghĩa trang Quốc gia: nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Mỗi "địa chỉ đỏ" này có hơn 10 nghìn liệt sĩ và trong đó có rất nhiều liệt sĩ chưa biết tên tuổi quê quán. Một thời gian dài chúng ta đã rất quen thuộc với những ngôi mộ liệt sĩ có duy nhất một ngôi sao vàng và một dòng chữ lớn ghi: “Liệt sĩ vô danh”. Đó là những người nằm xuống khi trên mình không có bất kì một dòng thông tin cá nhân, địa chỉ. Hòa bình trở lại, những người cựu binh còn sống đã không đành cho những cái tên vô danh ấy. Một trong số đó là nhà thơ Văn Hiền. Năm 1993 ông viết bài thơ: KHÔNG AI LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.
Từng là một chiến sĩ, nhà thơ Văn Hiền luôn trăn trở, xót xa một điều về sự hy sinh của các anh, các chị: Tại sao cứ gọi họ là Liệt sĩ vô danh? Họ là người có danh, có tên tuổi và gia đình, cái danh lớn nhất hy sinh cả đời mình vì Tổ quốc. Đến một ngày, trong số nhiều ngày đã đến nghĩa trang liệt sĩ, nhìn hàng nghìn ngôi mộ không tên tuổi, không cầm lòng, trước sự hy sinh của người lính, ngay cả lúc nằm dưới cỏ, họ vẫn chịu thiệt thòi, ngôi mộ không tên, không tuổi, ông đã viết bài thơ này.
Bài thơ sau đó được đăng trên Báo Nghệ An, Báo Nhân dân, Tạp chí Người làm báo, rồi Nguyệt san "Sự kiện và Nhân chứng" của Báo Quân đội nhân dân nhân dịp 27/7/1994 đã làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, nhất là các thân nhân liệt sĩ cùng lớp lớp cựu chiến binh trong cả nước. Nhiều người đọc xong bài thơ đã lặng người đi. Nhiều cựu chiến binh đã chép lại bài thơ và chuyền tay nhau đọc.
Đặc biệt, sau khi bài thơ ra đời, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng bộ phim tài liệu "Không ai là vô danh" phát sóng trên kênh VTV3 nhân ngày 27/7/1995 với nền nhạc bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh" của tác giả Văn Hiền làm xúc động hàng triệu trái tim.
Tháng 7/1996, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Cửa Lò do Thượng tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội chủ trì và ra quyết định đề nghị Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đổi tên gọi liệt sĩ vô danh thành liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Sau đó không lâu đã có hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại các nghĩa trang trong cả nước đã được đổi lại tên gọi.
Đặc biệt hơn nữa là vào tháng 10/2010, bài thơ đã được khắc trên nền đá granít nguyên khối cao gần 2 mét dựng trang trọng bên cạnh tượng đài trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào.
Hành trình tìm mộ liệt sĩ, tìm thân nhân trong các chiến trường vẫn còn là một hành trình dài và là niềm mong mỏi khôn xiết của biết bao gia đình. Có những người sau hòa bình đã bỏ bao công sức để đi tìm đồng đội, để trả lại tên cho các anh, các chị, để họ được toại nguyện về với quê hương.
Quảng Trị vẫn là vùng "đất tâm linh", trở thành một cõi thiêng trong tâm khảm bao người. Vậy nên, có người đã nói: Cứ đến Quảng Trị, ở trong mỗi con người chúng ta bỗng nảy ra những điều mà chúng ta cũng không thể dự đoán trước được... Và T xin được dừng lời để các cô, các bác, cô chú và anh chị cảm nhận theo cách riêng của mình về xứ sở gió Lào, nhiều bão tố và anh hùng này.
Hà Nội, 7/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét