Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Hà Nội giữ trong mình “trái tim” của Tổ Quốc, giữ cả bao yêu thương của thế hệ Việt Nam về một người Cha già dân tộc - Hồ Chí Minh:

Cứ nghĩ hồn thơm đang tái sinh
Ngôi sao ấy lại quá bình minh
Cơn mưa vừa tạnh Ba Đình nắng
Bác đứng trên kia đứng gọi mình


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chung đúc những tinh hoa giá trị VN và văn hoá cao đẹp của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ đã đi xa hơn 30 năm mà hình ảnh Bác vẫn hồn hậu, khắc sâu trong tâm trí chúng ta. Bác ra đi nhưng vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Trong những thi ca viết về Bác Hồ, bài Sáng tháng năm của nhà Thơ Tố Hữu có những câu thơ được coi là thần bút. (5/1951)

Bác Hồ đó ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông thanh thản một bầu trời
Không gì vui bằng Mắc Bác Hồ Cười
Quên tuổi già vui mãi tuổi đôi mươi.


Ông là nhà thơ được gặp Bác nhiều lần. Qua những câu thơ ông khắc lại chân dung của Bác Hồ, mà lâu nay, nếu có đọc ta giật mình nhìn lại. Hoá ra mình vẫn ngưỡng mộ Người, mà ta vẫn chưa thấu. Vì nếu nhìn lại, thì các bức ảnh của Bác để lại hiếm khi ta thấy Bác cười. Thật ra trong cuộc đời Bác, ít khi ta thấy Bác cười. Cái thần của Tố Hữu đặc tả Bác, là mắt bác cười. Nụ cười qua đôi mắt.

Theo nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc, là người có những thước chân dung chân thực là thành công về Hồ Chí Minh. Ông nói, đôi mắt của Bác luôn luôn hiện lên một đôi mắt tinh anh, và hóm hỉnh. Bác đi cùng nhân dân, lo nỗi lo của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân. Cả cuộc đời gắn liền với hai tiếng Nhân Dân.

Về với dòng sông Lam, về với đất Nghệ An, về với Làng Sen quê Bác. Ở quê Bác bây giờ, vẫn còn lại hai ngôi nhà bình dị thuở thiếu thời Bác sống cùng gia đình. Nó hiện lên một di tích thiêng liêng của một con người vĩ đại mà thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ. Hàng năm tiếp đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Nhưng có lúc nào, ta đến lúc vắng vẻ nhất, nghĩ suy về tuổi thơ của Bác Hồ.

Nghiêng mình trước mộ bà Hoàng Thị Loan để tỏ lòng thành kính trước ngưòi mẹ đã sinh ra một con người là tinh hoa của dân tộc và cũng là vĩ nhân của mọi thời đại. Hơn một thế kỉ đã đi qua nhưng mọi vật vẫn như xưa. Có không ít người bồi hồi tự hỏi. Tuổi thơ của Bác Hồ, hẳn không phải là tràn ngập niềm vui và rộn tiếng hát cười. Dù là làm phim, người ta có thể tái hiện tiếng hát ru, tái hiện tiếng võng đu đưa nhưng không thể tái hiện tiếng cười tuổi thơ của Bác. Vì khi Bác cất tiếng khóc chào đời là khi đất nước lâm vào cảnh lầm than cuối thế kỉ 19 đang bị đô hộ, nhân dân sống kiếp nô lệ như súc vật, trong khi những người con ưu tú thì bị bắt bớ tù đày và sát hại dã man. Trong bối cảnh đất nước lầm than chúng ta không thể tin tuổi thơ của Bác Hồ lại tràn ngập tiếng cười. Bởi nếu thế thì không bao giờ có chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng để tìm con đường cứu nước, cứu dân tộc.

Cảng nhà Rồng ngày nay không còn ý nghĩa thương mại, mà đã trở thành di tích ghi lại dấu ấn thiêng liêng của Bác Hồ. Đến nay, chúng ta sưu tầm được không ít tư liệu về con tàu La tu sơ Tê rê vin lơ, và cả người thanh niên mang tên anh Ba làm thuê cho con tàu, nhưng không thể tìm kiếm được nụ cười của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc. Toàn bộ tuổi thanh xuân của Bác ở Phaps, ở Mỹ, ở Châu Phi cũng sẽ vắng bóng nụ cười.

Chúng ta đều biết, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến tượng nữ thần tự do ở New York và viết: Ánh sáng trên đầu nữ thần tự do toả khắp trời xanh. Còn dưới chân tượng nữ thần tự do thì người da đen bị trà đạp, đánh đập. Bao giờ thì giữa các dân tộc được bình đẳng. Ghi lại những dòng nhật kí của Bác Hồ, chúng ta tin rằng, không một nghệ sĩ nào dám gắn nụ cười tuổi thanh xuân của chủ tịch HCM. Chân dung duy nhất của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Pháp gắn liền với việc sáng lập tờ báo Người cùng khổ. Lịch sử từ Châu Âu tới Châu Phi, cũng như bất cứ cuộc xâm chiếm nào cũng gắn liền với máu của người bản xứ.

Tại đại hội đảng 6 của đảng cộng sản pháp ở Pari vang lên lời kêu gọi thống thiết của Nguyễn Ái Quốc: Nhân danh toàn thể loài người, hãy cứu chúng tôi. Những nước bị nô lệ.

Trong những chân dung sưu tập được ở hang PắcPó cho đến ngày tổng khởi nghĩa, người ta cũng không thể tìm được bức chân dung Mắc Bác Hồ cười như nhà thơ Tố Hữu đã viết. Như thế đủ để ta hiểu: Bác lo nỗi lo của dân tộc khi đất nước lại thêm ách đô hộ Nhật, khi trước đó đã qua gần 100 năm Pháp đô hộ. Ngay cả khi CM thành công, Người cũng không thể nở nụ cười. Vì khi Bác đọc bản tuyên ngôn độc lập là lúc nhà nước đang phải đương đầu với thù trong giặc ngoài.

Khi Bác đọc lời hiệu triệu kháng chiến là thời kì dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kì. “ Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Không chúng ta thà hy sinh chứ…”
Trong toàn cuộc kháng chiến hơn một nghìn ngày, tư liệu về Bác thì nhiều nhưng nụ cười của Bác thì hiếm thấy. Các tướng lĩnh đã đệ trình lên Bác nhiều tài liệu, trong đó Bác đã xoá bỏ những mĩ từ: trận đánh đẹp và nói rằng không có trận đánh nào đẹp. bởi chiến tranh là gắn liền với chết chóc và đau khổ. Khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ cũng không hề có gương mặt tươi vui. Bởi Bác biết, một chiến dịch lớn như vậy không thể tránh khỏi nước mắt và thương vong cho bộ đội và nhân. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta.

Khi về tiếp quản thủ đô và giải phóng một nửa đất nước, lần đầu tiên người ta tìm thấy nụ cười của Bác Hồ trong buổi ra mắt nhân dân ở thủ đô Hà Nội,nhưng dường như đó là nụ cười không trọn vẹn.

Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, Bác Hồ chỉ dành nụ cười hiếm hoi khi tiếp xúc với quần chúng lao động và người nông dân. Từ sai lầm của cải cách ruộng đất, từ cặp mắt hiền hậu và sâu thẳm của Bác đã rưng rưng giọt nước mắt xót xa. Chân dung danh nhân nào trên thế giới cũng đa dạng và phức tạp. Nhưng chân dung của Bác Hồ bình dị đến mủi lòng, thế nên không người nghệ sĩ nào dám tưởng tượng và suy diễn.

Nếu mà để Bác cười, tươi thì được, chứ cười thì hiếm. Lúc nào cũng thấy gương mặt Bác như đang nghĩ đến những khó khăn trong cuộc sống.

Vậy tìm nụ cười của Bác ở đâu trong hàng vạn thước phim tư liệu. Có, nhưng không nhiều. Vì Bác chỉ cười khi tới thăm các đồng bào dân tộc ít người, khi tới thăm nông dân, công nhân. Bác cười khi các đồng chí của đồng bào miền Nam tới thăm Bác. Đôi mắt Bác trẻ dường nào. Bác cười bên mâm pháo cùng chiến sĩ công binh, Bác cười với người bạn già Tôn Đức Thắng, và Bác cười với các em thiếu nhi - thế hệ tương lai của đất nước.

Bác ra đi đã hơn 30năm nhưng chúng ta mới phần nào hiểu được chân dung một danh nhân của thế giới và mới phần nào hiểu được ánh sáng toả ra từ chân dung của Bác không chỉ là sự suy tư, nỗi đau hoặc nụ cưòi mà như chính nhà thơ Nga đã viết: “Ánh sáng toả ra từ Hồ Chí Minh không phải là văn hoá Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”.

Đã bước sang những năm đầu của thiên niên kỉ mới. Nhưng vẫn có những con người vẫn sống với những kỉ niệm của Bác Hồ. Những người đã từng gặp Bác, hay những người đã từng đứng dưới trời mưa tầm tã khóc Bác năm xưa giờ đã lần lượt đi xa. Nhìn những đường phố to đẹp, chúng ta lại nhớ lời Bác: thắng giặc rồi chúng ta sẽ xây dựng tổ quốc to đẹp hơn.

Thời gian qua đi, nhưng tháng năm, tháng của hoa phượng, tháng của mùa thi, tháng của tuổi trẻ. Đã tới tháng năm ta nhớ tới ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như thế là đã hơn một thế kỉ đi qua. Tháng năm là tháng của tuổi trẻ, nhưng thế hệ của tuổi trẻ hôm nay vẫn luôn nhớ rằng, cả cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân người chưa bao giờ có nụ cười hồn hậu và tươi rói như thế hệ ngày hôm nay.
Đi tìm nụ cười Hồ Chí Minh trong kho tư liệu, âu cũng là một cách để tri ân với con người có công vĩ đại khai sinh ra nền độc lập cho chúng ta ngày hôm nay và cũng là để hiểu hơn về đất và người xứ Nghệ.

St 7/2014

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014


Thưa quý khách, ngày hôm nay T muốn cùng du khách quay lại lịch sử dân tộc của hơn 500 năm trước. Về một người con gái làng chiếu Hải Triều mà nay là thôn HảiTriều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Người con gái ấy không ai khácđó chính là Nguyễn Thị Lộ, bà vợ lẽ của Nguyễn Trãi. Người đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu hỏi lớn và để lại cho đến ngày nay là một nghi án trong vụán Lệ Chi Viên trong cái chết của vua Lê Thánh Tông và án chu di tam tộc củadòng họ Nguyễn Trãi.
Câuchuyện quanh người con gái làng chiếu Hải Triều bắt đầu như thế này:

Tương truyền khi Nguyễn Trãi 26 tuổi đang làm quan cho nhà Hồ, gặp thị Lộ đang ở tuổi trăng tròn 16. Mới lần đầu gặp Nguyễn Trãi thấy cô bán chiếu xinh xắn bèn buông lời trêu ghẹo:
Em ở Tây Hồ bán chiếu gon
hỏi xem chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
- Thấy vị khách ghẹo mình, Thị Lộ cũng chẳng vừa:
Em ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng thì chưa có hỏi chi con?

Mới nghe qua thì tưởng rằng đây chỉ là một màn đối đáp bằng thơ, nhưng nội dung ẩn chứa trong đó mới thực sự thú vị. “Đã có chồng chưa? Được mấy con”. Hỏi người con gái có chồng chưa là đủ rồi, sao lại còn hỏi được mấy con?. Và sau đó thì hai người thành tri kỉ. Tuy nhiên, ở với nhau lâu nhưng Thị Lộ không có con. Họn nhận một người cháu của Ngô Từ là  Ngô Chi Lan làm con nuôi. Trong thời gian Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cùng em họ là Trần Nguyên Hãn đồng tâm giúp sức chống quân Minh. Nguyễn Thị Lộ luôn ở bên thảo thư từ, chiếu hịch cùng Nguyễn Trãi. Vốn là người thông minh,lại hay chữ, tính nết hiền dịu nhẹ nhàng nên bà được mọi người yêu mến.

Năm 1428 kháng chiến 10 năm thắng lợi. Nguyễn Trãi được tước hầu làm Thượng Thư bộ lại. Nhưng một năm sau, bị vua nghi ngờ liên quan đến nghi án Trần Nguyên Hãn (vốn bị vua nghi ngờ buộc tội chết, Nguyên Hãn nhảy sông tự tử) Nguyễn Trãi bị tống giam. Sau đó nhờ các đại thần can thiệp, ông được miễn truy cứu. Chán cảnh quan trường đầy âm mưu thủ đoạn, ông làm quan 1 thời gian rồi xin nghỉ hưu về Côn Sơn.

Ngày27/7/1442 vua Lê Thái Tông tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh, Hải Dương để thân duyệt quân đội. Đến 1.9 trên đường về kinh thành Thăng Long, nhà vua ghé thăm cố nhân Nguyễn Trãi đã nghỉ hưu ở Côn Sơn.

Đêm 4.8 Thái Tông mang theo người thiếp yêu Thị Lộ của Nguyễn Trãi về đến Lệ Chi Viên ngủ lại làng Đại Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh, đột nhiên đêm đó ông bị cảm và qua đời. Các quan bí mật đưa linh cữu về kinh sư, vào đến cung là lúc nửa đêm ngày mồng 6 tháng 8, lúc ấy mới phát tang. Ngaylập tức, Nguyễn Thị Lộ ngời hầu đêm đó cho nhà vua trở thành nghi phạm số 1. Chỉ vài ngày sau Nguyễn Trãi lập tức bị bắt và bị cáo buộc tội đồng mưu với vợ sát hại vua. Không cần xét xử kĩ càng, 16.8.1442 Thị Lộ, Nguyễn Trãi chịu án xử tội tru di tam tộc. Đây là vụ án bất bình nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam - một nghi án đặt dấu hỏi cho đến ngày nay.

Bàn luận về cái chết của vua Lê Thái Tông có nhà sử học đã cho rằng : sau chiến tranh, hàng loạt anh hùng Lam Sơn lần lượt bị tha hoá, lo vinh tân phì gia mà sao nhãng việc ích nước lợi dân, người đức độ như Nguyễn Trãi bỗng dưng trở thành cái gai khó chịu trước mắt họ. Nguyễn Trãi đã xin cáo quan về ở ẩn, lùi xa chốn kinh thành hỗn tạp mà nào có được yên.

Vua Lê Thái Tông đã loại bỏ bốn trong số năm bà vợ, còn một bà thì đang bận con thơ, nhân đó mà cho lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ là người xinh đẹp “ngày đêm hầu cận”, rồi sàm sỡ với Nguyễn Thị Lộ, thiết tưởng nhân cách nhà vua ra sao khỏi bàn cũng rõ rồi.
Sau nhiều ngày tuần du mệt nhọc, vua lại thức suốt đêm với một người phụ nữ bên bờ sông, nếu sốt rét không giết vua, ắt cũng chẳng thiếu nguyên nhân đủ để giết vua hoặc giả làm cho vua bị bại hoại. Lỗi của vua rành rành, tiếc là triều đìnhlúc ấy chẳng ai dám nói đến lỗi của vua. Mới hay, vua vẫn được quyền hơn người ở chỗ không có lỗi gì.

Bấy giờ ai cũng nói Thị Lộ giết vua, dẫu chẳng ai thấy bà làm việc thất đức tày trời đó. Sự có vẻ hợp lí này mới nguy hiểm làm sao. Ở đời thật chẳng còn có gì vừa hài hước vừa xót xa bằng quan niệm: chân lí là điều tôi thích.

Bình sinh tiếng nói và ngòi bút của Nguyễn Trãi có sức mạnh như hàng vạn tinh binh,biết bao thành trì kiên cố của quân xâm lăng đã sụp đổ bởi tiếng nói và ngòi bút thiên tài ấy. Vậy mà đến đây, ngọn đại bút không cứu nổi thân ông, lời tuyệt vời thuở nào không ngăn nổi tội ác của đồng liêu thiển hậu. Ôi, bị vài ba người bạn phản bội còn nguy hiểm hơn cả bị kẻ thù ba bốn mặt bao vây.

Khi bấy giờ, dân gian lưu truyền câu chuyện truyền thuyết Rắn báo oán: Chuyện kể rằng.Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh khi còn dạy học. Một hôm ông nằm mơ thấy một người mẹ dắt theo năm người con bảo với ông “xin ngài hãy thư thư ít bữa, để mẹ con tôi chuyển đi chỗ khác”, ông tỉnh dậy và không hiểu nguồn cơn giấc mơ cho đến khi học trò của ông trong lúc phát quang một cái ngò đã đánh chết một con rắn mẹ và 5 con rắn con. Xưa nay người ta vẫn nói rắn báo oán.Trong một đêm đọc sách, có một con rắn bò lên xà nhà và nhỏ một giọt máu, giọtmáu ấy rơi đúng chữ “Đại” – đại trong tiếng Hán có nghĩa là đời, giọt máu ấy thấm qua ba trang giấy. Người ta bảo, con rắn ấy sẽ hại ba đời nhà ông. Sau này, người đời còn thêu dệt rằng con rắn ấy chính là Nguyễn Thị Lộ hóa thành,và sau khi giết vua đã hóa rắn bò xuống sông. Giai thoại này đã bị bác bỏ. Nhưng khi dân gian không thể lý giải được nguồn cơn của sự việc. Câu chuyện như một cách để xoa dịu đi nỗi đau mất mát một con người vĩ đại, một anh hùng đại tài. 

Còn trong lịch sử thì đến tháng 8/1464, sau 22 năm oan khuất ông được vua Lê Thánh Tông minh oan. Unesco đã công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông vào năm 1980.

Vụ án Lệ Chi Viên là vết nhơ nhục nhã của muôn đời vậy. Triều thân bấygiờ chém được Nguyễn Trãi, tru di được tam tộc của Nguyễn Trãi, có biết đâu tên tuổi của Nguyễn Trãi lại đời đời bất diệt với non sông.

Hành trình còn rất dài, và T xin được dừng lời tại đây! Cảm ơn các cô, chú và anh chị đã lắng nghe!
                                                                                                                                                                        Hà Nội 7/2014

Thu Lưu
Thưa quý khách,

Ta đang đi trên mảnh đất Quảng Trị. Mảnh đất của những nỗi đau hơn hai mươi năm đất nước chia cắt, của những khúc tráng ca bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình đã lập lại trên khúc ruột miền Trung, nhưng ở nơi đây vẫn còn ghi dấu rất nhiều những di tích của một thời lịch sử: là vĩ tuyến 17 chia cắt hai đầu thương nhớ, là Gio Linh, Vĩnh Linh kiên cường, là Cồn Tiên – Dốc Miếu, là Thạch Hãn - Thành cổ bất khuất, là đường 9 Nam Lào và cả một Trường Sơn huyền thoại,... Có mấy ai trong chúng ta mà lại không có người thân từng trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này, và rất nhiều trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.  Hôm nay tới Quảng Trị, T xin được kể chuyện về những người chiến sỹ đã hy sinh và công cuộc trả lại tên cho các Anh.

Quảng Trị có dân số hơn 500 nghìn người (2009), nhưng có tới gần 60 nghìn mộ liệt sĩ ở 72 nghĩa trang. Trong 72 nghĩa trang liệt sĩ thì có hai nghĩa trang Quốc gia: nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Mỗi "địa chỉ đỏ" này có hơn 10 nghìn liệt sĩ và trong đó có rất nhiều liệt sĩ chưa biết tên tuổi quê quán. Một thời gian dài chúng ta đã rất quen thuộc với những ngôi mộ liệt sĩ có duy nhất một ngôi sao vàng và một dòng chữ lớn ghi: “Liệt sĩ vô danh”. Đó là những người nằm xuống khi trên mình không có bất kì một dòng thông tin cá nhân, địa chỉ. Hòa bình trở lại, những người cựu binh còn sống đã không đành cho những cái tên vô danh ấy. Một trong số đó là nhà thơ Văn Hiền. Năm 1993 ông viết bài thơ: KHÔNG AI LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.


Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.


Từng là một chiến sĩ, nhà thơ Văn Hiền luôn trăn trở, xót xa một điều về sự hy sinh của các anh, các chị: Tại sao cứ gọi họ là Liệt sĩ vô danh? Họ là người có danh, có tên tuổi và gia đình, cái danh lớn nhất hy sinh cả đời mình vì Tổ quốc. Đến một ngày, trong số nhiều ngày đã đến nghĩa trang liệt sĩ, nhìn hàng nghìn ngôi mộ không tên tuổi, không cầm lòng, trước sự hy sinh của người lính, ngay cả lúc nằm dưới cỏ, họ vẫn chịu thiệt thòi, ngôi mộ không tên, không tuổi, ông đã viết bài thơ này.


Bài thơ sau đó được đăng trên Báo Nghệ An, Báo Nhân dân, Tạp chí Người làm báo, rồi Nguyệt san "Sự kiện và Nhân chứng" của Báo Quân đội nhân dân nhân dịp 27/7/1994 đã làm lay động hàng triệu trái tim độc giả, nhất là các thân nhân liệt sĩ cùng lớp lớp cựu chiến binh trong cả nước. Nhiều người đọc xong bài thơ đã lặng người đi. Nhiều cựu chiến binh đã chép lại bài thơ và chuyền tay nhau đọc.


Đặc biệt, sau khi bài thơ ra đời, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng bộ phim tài liệu "Không ai là vô danh" phát sóng trên kênh VTV3 nhân ngày 27/7/1995 với nền nhạc bài thơ "Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh" của tác giả Văn Hiền làm xúc động hàng triệu trái tim.


Tháng 7/1996, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Cửa Lò do Thượng tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội chủ trì và ra quyết định đề nghị Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đổi tên gọi liệt sĩ vô danh thành liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Sau đó không lâu đã có hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại các nghĩa trang trong cả nước đã được đổi lại tên gọi.
Đặc biệt hơn nữa là vào tháng 10/2010, bài thơ đã được khắc trên nền đá granít nguyên khối cao gần 2 mét dựng trang trọng bên cạnh tượng đài trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào.


Hành trình tìm mộ liệt sĩ, tìm thân nhân trong các chiến trường vẫn còn là một hành trình dài và là niềm mong mỏi khôn xiết của biết bao gia đình. Có những người sau hòa bình đã bỏ bao công sức để đi tìm đồng đội, để trả lại tên cho các anh, các chị, để họ được toại nguyện về với quê hương.


Quảng Trị vẫn là vùng "đất tâm linh", trở thành một cõi thiêng trong tâm khảm bao người. Vậy nên, có người đã nói: Cứ đến Quảng Trị, ở trong mỗi con người chúng ta bỗng nảy ra những điều mà chúng ta cũng không thể dự đoán trước được...  Và T xin được dừng lời để các cô, các bác, cô chú và anh chị cảm nhận theo cách riêng của mình về xứ sở gió Lào, nhiều bão tố và anh hùng này.

Hà Nội, 7/2014

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014


Mỗi khi tôi nói mình là hướng dẫn viên, thì kiểu gì cũng được nghe những câu đại loại như: ôi thích thế, làm hướng dẫn viên được đi khắp nơi. hay "Sướng nhỉ, làm hướng dẫn tha hồ mà đi chơi",... Thế đấy, cái nghề của tôi xa hoa, hào nhoáng như thế đấy. Nhưng có làm hướng dẫn rồi thì mới hiểu mồ hôi và cả nước mắt đằng sau những chuyến đi "hào nhoáng' như thế.


Một ngày làm việc của hướng dẫn viên bắt đầu từ lúc đón khách cho đến khi được trèo lên giường đi ngủ thì mới nói là trọn vẹn một ngày. Bạn chẳng có một thời gian biểu cố định nào, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào lịch trình và hành trình của khách. Có thể bạn phải đi đón khách từ 3-4h sáng. Và chẳng có gì là không đúng nếu ai đó nói với bạn là họ đã phải đi đón khách từ 2h sáng. Bạn chỉ xuất hiện một lần trong hành trình của lữ khách, và vì thế mà lúc nào thần thái của bạn cũng luôn phải vui vẻ, luôn phải ấn tượng tốt đẹp, nụ cười của bạn là minh chứng rõ nhất về điều đó. Bạn phải cười dù mệt mỏi hay chán nản.

Nếu bạn là hướng dẫn viên, bạn chỉ xuất hiện rồi cười nói thì bạn rơi vào phạm trù 'người báo cơm' hay 'sleeping guide'. Bạn phải hướng dẫn, phải thuyết minh trên hành trình, trong di dích và từng mảnh đất du khách của bạn đang đi qua. Bạn không phải MC để nhìn một bản thảo rồi thao thao bất tuyệt, nhưng bạn lại cần tố chất và giọng điệu của một MC. Nào là lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nào di tích, nào con người, danh lam thắng cảnh. Để có được điều đó là cả môt quá trình rèn luyện kiến thức, trau dồi kĩ năng thuyết minh thuyết trình. Sẽ là thuận lợi nếu như bạn nói mà khách lắng nghe, có những khi bạn vừa cầm mic lên thì ngay lập tức nhận được câu: hát đi em ơi, bật nhạc lên,... rồi linh tinh đủ kiểu văn hóa giao tiếp cao có, thấp có. Những lúc ấy lòng tự trọng bị tổn thương ghê ghớm, vì rằng bạn được học hành tử tế, bạn đang làm việc và họ lại coi bạn là một 'người báo cơm', một người luôn có mặt bất cứ khi nào họ cần. Có những lúc ê chề thế đấy.

Mùa du lịch cao điểm, hướng dẫn viên kiêm luôn cả nhân viên nhà hàng, nhân viên buồng phòng khách sạn. Nhà hàng trong tình trạng over, khách của bạn đang đói, và thế là bạn xắn tay vào phục vụ: bê đồ ăn, sắp bát, sắp đũa, thậm chí là nhảy vào nấu đồ ăn, chan phở... là chuyện hết sức bình thường. Đã có rất nhiều lần tôi bị du khách đoàn khác vỗ vai, thậm chí quát mắng vì tôi đã không phục vụ họ. Tôi bảo mình không phải nhân viên. Nhưng mà ai tin tôi, khi trong 2 tay vẫn khệ nệ hai chồng bát. Mồ hôi chảy ướt khóe mắt cay xè, mặn chát. 

Là một hướng dẫn viên bạn phải hội tụ tỉ thứ kĩ năng, từ giao tiếp, ứng xử, kĩ năng tổ chức, điều hành, cho tới kiến thức sâu rộng. Thế mà không hẳn nghề lúc nào cũng cho bạn vinh quang, có những khi ê chề, thất vọng về cái nghề mình đang theo đuổi. Những lúc vắng tour, anh em lại ngồi với nhau chém gió cười khà khà bảo nhau: hành trang của tụi mình chả có gì ngoài những chuyến đi.

Buồn có, vui có. Nhưng tự hào cũng có. Dù có vất vả, nhưng mỗi chuyến đi lại là một lần trải nghiệm. Tôi cũng trưởng thành lên nhiều từ chính nghề của mình. Như một thứ nghiện, tôi nghiện những chuyến đi vì cuộc đời ta chỉ sống có một lần, được thỏa thích đó đây cũng là cái thú của nghề hướng dẫn.

Nếu bạn muốn làm hướng dẫn chỉ vì thích đi du lịch thì hãy xem lại. Tình yêu với nghề hướng dẫn luôn phải xuất phát từ chính sự say mê và gắn bó.

Thân ái,
Hà Nội, 9/6/2014